Tờ thông tin này thảo luận về việc tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Thông tin này dựa trên tài liệu đã xuất bản hiện hành. Những thông tin này không thay thế cho việc chăm sóc y tế cũng như lời khuyên từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quý vị.
COVID-19 là gì?
COVID-19 (viết tắt của Coronavirus Disease 2019) là một căn bệnh do vi-rút (được gọi là SARS-CoV-2) gây ra. Vi-rút này dễ dàng lây lan từ người này sang người khác qua các giọt bắn từ miệng và mũi khi chúng ta thở, nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Để biết thêm thông tin về COVID-19, vui lòng xem tờ thông tin của MotherToBaby tại https://mothertobaby.org/fact-sheets/covid-19/.
Vắc-xin mRNA COVID-19 là gì?
Vắc-xin RNA thông tin COVID-19 (mRNA) giúp bảo vệ chống lại vi-rút gây bệnh COVID-19. Vắc-xin này thường được gọi đơn giản là “vắc-xin COVID”. Hiện tại, mRNA là loại vắc-xin phổ biến nhất được sử dụng ở Hoa Kỳ để ngăn ngừa COVID-19. Vắc-xin hiện được lưu hành dưới tên Moderna/Spikevax® và Pfizer/Comirnaty®. Vắc-xin mRNA không chứa vi-rút sống có thể gây COVID-19. Vắc-xin này không hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa COVID-19, nhưng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bệnh trở nặng khi nhiễm vi-rút.
Để biết thêm thông tin về một loại vắc-xin COVID-19 khác, vui lòng xem tờ thông tin của MotherToBaby tại https://mothertobaby.org/fact-sheets/covid-19-protein-subunit-vaccine/.
Vắc-xin mRNA COVID-19 có được khuyến nghị cho người đang mang thai không?
Center for Disease Control and Prevention (CDC) khuyến nghị những người đang mang thai, mới mang thai, dự định mang thai hoặc có thể mang thai trong tương lai nên cập nhật tiêm vắc-xin COVID-19. Có thể tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Hãy trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của quý vị, liên hệ với chuyên gia của MotherToBaby hoặc truy cập trang web của CDC để tìm hiểu cách cập nhật vắc-xin COVID-19: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/stay-up-to-date.html.
Nhiễm COVID-19 khi đang mang thai làm tăng nguy cơ bệnh trở nặng và xảy ra các biến chứng thai kỳ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thai phụ đã được tiêm vắc-xin COVID-19 và mũi tiêm vẫn còn hiệu lực trong thai kỳ ít có khả năng bị bệnh nặng hoặc biến chứng thai kỳ do nhiễm COVID-19 so với những người không được cập nhật mũi tiêm này.
Việc tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 có thể khiến tôi khó mang thai hơn hoặc có thể ảnh hưởng đến các phương pháp điều trị liên quan đến sinh sản không?
Một số người cho biết chu kỳ kinh nguyệt (kỳ kinh) của họ đã có những thay đổi sau khi tiêm vắc-xin mRNA COVID-19, chẳng hạn như kỳ kinh dài hơn hoặc máu kinh nhiều hơn một chút hoặc khoảng cách giữa hai kỳ kinh ngắn hơn dự kiến. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nếu xảy ra những thay đổi này thì đó chỉ là những thay đổi tạm thời và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của một người.
American Society for Reproductive Medicine (ASRM – Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ) khuyến cáo rằng những người đang điều trị vấn đề sinh sản nên được cập nhật mũi tiêm vắc-xin COVID-19. Một số nghiên cứu về những người đang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho thấy rằng việc tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 không ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng (cơ quan giải phóng trứng), số lượng tế bào trứng (trứng non), nồng độ hormone hoặc tỷ lệ cấy phôi thành công. Một nghiên cứu khác cho thấy những người được tiêm phòng tối đa 60 ngày trước khi thực hiện IVF có tỷ lệ mang thai thấp hơn. Hiện tại không có khuyến cáo nào về việc hoãn điều trị sinh sản sau khi tiêm vắc-xin hoặc tránh tiêm vắc-xin sau khi điều trị.
Tôi vừa tiêm vắc-xin COVID-19 mRNA. Tôi cần đợi bao lâu trước khi mang thai?
Không có khuyến cáo nào về việc nên đợi trước khi cố gắng mang thai sau khi tiêm vắc-xin mRNA COVID-19.
Việc tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 có làm tăng khả năng sảy thai không?
Sảy thai là một hiện tượng phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ thai kỳ nào vì nhiều lý do khác nhau. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 khi mang thai không làm tăng khả năng sảy thai.
Tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 có làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh không?
Mỗi thai kỳ đều bắt đầu với 3-5% khả năng bị dị tật bẩm sinh. Đây được gọi là rủi ro nền. Các nghiên cứu hiện có không tìm thấy sự gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh khi một người tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 trong tam cá nguyệt đầu tiên (ba tháng đầu của thai kỳ).
Sốt là tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vắc-xin mRNA COVID-19. Sốt cao trong tam cá nguyệt đầu tiên có thể làm tăng nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh. Thai phụ thường được khuyên dùng acetaminophen để hạ sốt khi mang thai. Để biết thêm thông tin về sốt và thai kỳ, vui lòng xem tờ thông tin của MotherToBaby về vấn đề sốt/tăng thân nhiệt tại https://mothertobaby.org/fact-sheets/hyperthermia-pregnancy/.
Tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 trong thai kỳ có làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề khác liên quan đến thai kỳ không?
Các nghiên cứu không thấy có sự gia tăng khả năng gặp phải các vấn đề liên quan đến thai kỳ hoặc biến chứng ở trẻ sơ sinh như thai chết lưu, sinh non (trước tuần 37 của thai kỳ), trẻ sinh ra nhỏ hơn dự kiến, điểm Apgar thấp, nhập khoa NICU hoặc tử vong sơ sinh khi bệnh nhân được tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 tại bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ.
Tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 khi mang thai có ảnh hưởng đến hành vi hoặc việc học tập của trẻ trong tương lai không?
Để trả lời câu hỏi này, cần phải có thời gian để theo dõi con cái của những người đã tiêm phòng khi mang thai. Tuy nhiên, dựa trên những điều đã biết về cơ chế hoạt động của vắc-xin mRNA trong cơ thể, việc tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 được cho là sẽ không gây ra các vấn đề lâu dài cho trẻ.
Tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 khi mang thai có giúp bảo vệ em bé khỏi vi-rút sau khi chào đời không?
Kháng thể tạo ra trong cơ thể người mẹ sau khi tiêm vắc-xin mRNA COVID-19 trong khi mang thai có thể truyền sang em bé đang trong giai đoạn phát triển. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ sơ sinh do những bà mẹ có mũi tiêm vắc-xin COVID-19 còn hiệu lực trong thai kỳ sinh ra sẽ được bảo vệ tốt hơn khỏi COVID-19 sau khi chào đời và ít có khả năng phải nhập viện vì COVID-19 hơn.
Vắc-xin mRNA COVID-19 và việc nuôi con bằng sữa mẹ:
Các nghiên cứu nhỏ đã phát hiện ra rằng mRNA từ vắc-xin Moderna/Spikevax® và Pfizer/Comirnaty® không có khả năng đi vào sữa mẹ. Nếu bất kỳ lượng nhỏ thành phần vắc-xin nào đi vào sữa mẹ, khả năng rất cao là chúng sẽ bị phá hủy trong dạ dày của trẻ. Các nghiên cứu chưa tìm thấy phản ứng bất lợi nghiêm trọng nào với vắc-xin mRNA ở những người đang cho con bú hoặc trẻ sơ sinh do những bà mẹ này sinh ra. Chưa đến 10% các bà mẹ cho biết có sự thay đổi về nguồn sữa (sữa nhiều hơn hoặc ít hơn) sau khi tiêm vắc-xin mRNA COVID-19, nhưng lượng sữa của họ trở lại bình thường trong vòng một hoặc hai ngày.
Các tổ chức bao gồm Academy of Breastfeeding Medicine (ABM – Học viện Y học Nuôi con bằng Sữa mẹ) và American Academy of Pediatrics (AAP – Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ) nhất trí rằng các bà mẹ đang cho con bú có thể tiêm vắc-xin mRNA COVID-19. Không có khuyến cáo nào về việc trì hoãn cho con bú hoặc bỏ sữa mẹ sau khi tiêm vắc-xin mRNA COVID-19.
Kháng thể chống lại vi-rút gây ra COVID-19 đã được tìm thấy trong sữa mẹ ở những người đã được tiêm vắc-xin mRNA. Cần có nhiều nghiên cứu hơn để biết những kháng thể này có thể bảo vệ trẻ đang bú mẹ chống lại vi-rút làm thế nào. Hãy trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về tất cả những thắc mắc của quý vị liên quan đến việc cho con bú.
Nếu nam giới tiêm vắc-xin mRNA COVID-19, vắc-xin đó có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ không?
Có hai nghiên cứu cho biết không tìm thấy sự khác biệt nào trong việc sản xuất tinh trùng trước và sau khi tiêm vắc-xin mRNA COVID-19. Nói chung, việc phơi nhiễm của người cha hoặc người hiến tặng tinh trùng khó có khả năng làm gia tăng các nguy cơ đối với một thai kỳ. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem tờ thông tin Paternal Exposures (Phơi nhiễm ở người cha) của MotherToBaby tại https://mothertobaby.org/fact-sheets/paternal-exposures-pregnancy/ .
Nếu quý vị đã tiêm vắc-xin Moderna hoặc Pfizer trong 3 tháng qua, quý vị có thể phù hợp với nghiên cứu vắc-xin mRNA COVID-19 của chúng tôi. Hãy giúp chúng tôi giúp đỡ những người mang thai khác. Nếu quý vị muốn tìm hiểu thêm về nghiên cứu này, vui lòng gọi 1-877-311-8972 hoặc truy cập: https://mothertobaby.org/join-study/.
Xin vui lòng nhấp vào đây để xem tài liệu tham khảo.
OTIS/MotherToBaby khuyến khích sử dụng ngôn ngữ mang tính bao hàm và lấy con người làm trung tâm. Mặc dù tên của chúng tôi vẫn tham chiếu đến các bà mẹ, nhưng chúng tôi đang cập nhật tài nguyên của mình với các thuật ngữ có tính bao hàm hơn. Việc sử dụng thuật ngữ người mẹ hoặc bà mẹ đề cập đến một người đang mang thai. Việc sử dụng thuật ngữ cha hoặc người cha đề cập đến người đóng góp tinh trùng để tạo nên bào thai.